greenvet-hanoi
Chuyên gia thú y
Bệnh ướt đuôi ở Hamster.
Proliferative ileitis
Proliferative ileitis
Nuôi chuột Hamster hiện nay là những cơn sốt cho các cô cậu học trò tại các đô thị lớn : HCMC và Hà nội. Chúng xinh xắn và dễ thương. Nhưng cũng như các vật nuôi khác, bệnh tật là hiểm họa đe dọa loài thú cưng đáng yêu này. Bệnh ướt đuôi ở Hamster cần được mọi chủ nuôi quan tâm.
Bệnh ướt Đuôi là gì ?
Bệnh Ướt Đuôi "Proliferative ileitis" là một bệnh đường ruột nguy hiểm nhất cho Hamster. Bệnh do vi khuẩn có tên khoa học "Lawsonia intracellularis", vi khuẩn này cũng gây bệnh cho : chó, chồn, lợn và nhiều loài vật khác. Bệnh không lây sang người.
Lây nhiễm ra sao?
Hamster ở mọi lứa tuổi đều bị nhiễm bệnh, nhưng đặc biệt nguy hiểm, lây lan và chết nhanh ở hamster tập ăn sau cai sữa ( từ 3- 6 tuần tuổi ) vì lứa tuổi này, hamster được cho tặng, lưu thông trên thị trường có khả năng lây nhiễm cao do tiếp xúc, tập trung khác đàn. Mặt khác vận chuyển là một loại stress bất lợi, làm giảm sức đề kháng cơ thể, khả năng miễn dịch kém cũng dễ nhiễm và phát bệnh, do vậy đây là bệnh khá phổ biến hiện nay, người nuôi hamster cần quan tâm. Giống hamster lông dài "teddy bear" rất mẫn cảm, dễ mắc bệnh này.
Các Triệu chứng bệnh ?
Biếng ăn, mệt mỏi, ngủ li bì, lông xơ xác, mắt kém lanh lợi, hố mắt trũng, lõm. Hamster dễ bị kích ứng, cáu kỉnh, cắn xé lẫn nhau. Mất nước do tiêu chảy trầm trọng. Lông đuôi bết, ướt là rõ nhất, có giá trị để các bác sỹ thú y chẩn đoán lâm sàng bệnh này. Có xuất huyết trực tràng, lòi hậu môn do rặn tiêu chảy quá nhiều lần.
Điều trị và xử trí khi có chuột mắc bệnh:
Bù dịch và điện giải bị mất do mất nước. Cho uống thuốc tiêu chảy đường ruột, kháng sinh. Giữ chuột nơi ấm áp,sạch sẽ, vệ sinh, sát trùng đồ dùng, đồ chơi và chuồng chuột. Khi mắc bệnh, hiệu quả điều trị thấp, hamster thường chết sau 48 giờ kể từ khi có triệu chứng đầu tiên.
Phòng bệnh thế nào?
1. Cách ly ngay những chuột mắc bệnh và có dấu hiệu nghi bệnh.
2. Không thả chung hamster mới về với đàn đang nuôi, theo dõi sau 5-7 ngày thấy khỏe mạnh mới nhập đàn.
3. Người tiếp xúc chuột nghi ốm không chăm sóc chuột khỏe.
4. Vệ sinh sát trùng, phơi nắng thường xuyên dụng cụ nuôi cà đồ chơi của chuột.
5. Không mang đi chơi hoặc đưa tới HamShow những chuột không được khỏe mạnh.
6. Vệ sinh đồ ăn tươi: rau sạch, khô ráo.
7. Khi thấy dấu hiệu tiêu chảy ( ướt vùng hậu môn, đuôi ) cần mang khám BSTY ngay, trong đàn có con bị bệnh ướt đuôi, cần điều trị dự pòng cho toàn đàn.
Bài viết tham khảo từ : http://www.animalhospitals-usa.com/small_pets/hamster_diseases_general.html